0 GIỎ HÀNG
Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!

Hiểu đúng về mụn trứng cá, nguyên nhân và cách điều trị | Phòng Khám Da Liễu Táo Đỏ

Hiểu đúng về mụn trứng cá, nguyên nhân và cách điều trị | Phòng Khám Da Liễu Táo Đỏ

1. Mụn trứng cá là gì:

Mụn trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều hình thái tổn thương đa dạng như nhân, sẩn, mụn mủ, cục, nang trứng cá. Mụn trứng cá có thể để lại hậu quả sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo quá phát. Mụn xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì cho đến 30 – 40 tuổi, thường xuất hiện ở các vị trí như mặt, lưng, tai,…. Một số trường hợp trứng cá giảm dần, nhưng còn rất nhiều bệnh nhân tiến triển dai dẳng, từng đợt phát triển. Mụn trứng cá nếu không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể để lại sẹo vĩnh viễn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

2. Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Nguyên nhân của bệnh trứng cá liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như nội tiết, tạp khuẩn trên da, dị ứng một số thức ăn, hoặc do tiếp xúc với một số hoá chất (Dầu,mỡ, nhựa đường…) hoặc do thiếu vitamin B2,… Một số nghiên cứu gợi ý có thể liên quan đến các sản phẩm sữa và chế độ ăn có glycemic (tinh bột cao như cơm trắng, phở, bánh mì) cao.

Mụn trứng cá xuất hiện thông qua sự tương tác của 4 yếu tố chính:

- Tăng tiết quá nhiều chất bã nhờn.

- Bít tắc nang lông bởi chất bã, các yếu tố bên ngoài.

- Trực khuẩn P. acnes tại nang lông.

- Giải phóng các chất trung gian gây viêm.

Sự tăng tiết quá nhiều chất bã nhờn liên quan đến các hormone, đặc biệt là Testosteron. Testosteron là hormon có hiệu lực chủ yếu ở da đối với tế bào tuyến bã, kích thích sự phát triển và bài tiết chất bã, đồng thời làm giãn rộng và làm tăng thể tích tuyến bã, nhất là các tuyến bã ở mặt.

Sự sản xuất quá mức các chất bã góp phần gây nên hiện tượng ứ đọng chất bã trong nang lông và một số yếu tố như nóng ẩm, khói bụi … hay các chất như mỹ phẩm có nhiều chất béo tạo ra sự ứ đọng chất bã, làm bít tắc lỗ chân lông.

Vi khuẩn P. acnes có khả năng phân các chất béo tự do gây viêm mạnh. Do đó sự ứ động các chất bã nhờn ở nang lông tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển và làm yếu nang lông, sau đó dẫn đến tình trạng viêm, mụn trứng cá sẩn, mụn mủ, cục và nang. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị mụn trứng cá trong tuổi trưởng thành hơn nam giới. Do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ có vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời.

- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt

- Trong thời gian mang thai, thường là trong 3 tháng đầu của thai kỳ

- Mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang - một tình trạng phổ biến có thể gây ra mụn trứng cá ở người nữ trong tuổi trưởng thành.

3. Vị trí thường gặp mụn trứng cá

Trứng cá thông thường (Acne Vulgaris): rất phổ biến ở cả hai giới đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các tổn thương khu trú đặc biệt ở vùng da mỡ như mặt, má, trán, cằm, ở vùng giữa ngực, lưng, vai. Đôi khi nhân trứng cá ở vành tai, bọc ở ống tai, màng nhĩ và đặc biệt gặp tổn thương u, cục, nang ở cổ, gáy.

Tổn thương mụn trứng cá rất đa dạng: Nhân trứng cá, sẩn nang lông, sẩn mụn, mụn mủ, u viêm tấy, áp xe. Các thương tổn này không phải thường xuyên kết hợp với nhau hay có đầy đủ trên một bệnh nhân.

4. Mụn trứng cá có tự hết không

Mụn trứng cá có mức độ nghiêm trọng thường xảy ra tự phát từ những năm đầu hoặc giữa 20 -29 tuổi, nhưng phần lớn bệnh nhân, thường là phụ nữ, có thể bị trứng cá vào 40 - 49 tuổi. Nhiều người lớn đôi khi phát triển các tổn thương trứng cá nhẹ và riêng biệt. Trứng cá không viêm và viêm nhẹ thường lành mà không có vết sẹo.

Trứng cá viêm trung bình đến nặng thường để lại sẹo. Sẹo không chỉ là ảnh hưởng thể chất; Trứng cá có thể gây ảnh hưởng tâm lý nhiều cho thanh thiếu niên, mụn trứng cá có thể gây khó khăn thêm cho cuộc sống cá nhân.

Vì thế khi có tình trạng mụn, tốt nhất chúng ta nên đến các cơ sở khám và điều trị uy tính để tránh tình trạng mụn càng nặng thêm.

5. Điều trị Mụn trứng cá như thế nào 

Việc điều trị mụn trứng cá sao cho có hiệu quả lâu dài cần phải phù hợp với từng nguyên nhân, cơ chế hình thành mụn ở từng người. Như mụn trứng cá ở tuổi dậy thì, mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh, mụn trứng cá đỏ, mụn trứng cá ở lưng, ….và mức độ nặng của từng người là khác nhau. Do đó, cần phải khám chuyên khoa da liễu để sớm được chỉ định các loại thuốc đặc trị, đảm bảo hạn chế được sự xuất hiện của mụn và các di chứng để lại trên da. Và điều cơ bản mỗi người có thể thực hiện được để có một làn da khỏe mạnh, sạch mụn là:

  • Vệ sinh da thường xuyên và đúng cách.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống giàu rau xanh và trái cây.
  • Uống đủ nước.
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
  • Tránh căng thẳng, lo âu.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá.

6. Mụn trứng cá điều trị bao lâu mới hết

Mụn trứng cá có nhiều mức độ khác nhau sẽ được các bác sĩ da liễu đánh giá để có thể đưa ra được thời gian điều trị cho từng trường hợp. Thông thường mụn trứng cá sẽ điều trị khoảng 6 tuần cho đến 3 tháng tùy vào mức độ nặng của mụn trứng cá.

Để an toàn và không phải chịu các hậu quả nặng nề do mụn trứng cá để lại trên da thì bạn nên đến các cơ sở điều trị da liễu thẩm mỹ da uy tín và chất lượng. Các bác sĩ có kinh nghiệm nhiều năm trong việc điều trị da liễu sẽ là nơi bạn có thể an tâm điều trị.

Bài viết liên quan

CÁCH ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ HIỆU QUẢ NHẤT
Trứng cá là bệnh da rất hay gặp khiến cho phái nữ lo lắng và mất tự tin khi giao tiếp. Đây là sự viêm n..